024 3783 2121 | CSKH : 024 3202 6888  |  info@cpavietnam.vn; hotro@cpavietnam.vn
Ứng dụng công nghệ vào giải quyết tranh chấp bằng trọng tài tại Mỹ và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

 

Ứng dụng công nghệ vào giải quyết tranh chấp bằng trọng tài tại Mỹ và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam (Ảnh minh họa)

Các tranh chấp trong thương mại quốc tế ngày càng tăng cả về số lượng lẫn mức độ phức tạp trong khi các ràng buộc về chi phí vẫn nghiêm ngặt và thời hạn giải quyết vẫn kéo dài. Một phương pháp để khắc phục những hạn chế trên là ứng dụng các công nghệ để đẩy nhanh và tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải quyết. Công nghệ có thể khiến việc phân xử bằng trọng tài dễ tiếp cận hơn, nhanh hơn và đỡ tốn kém chi phí hơn. Trong phạm vi nghiên cứu, bài viết trình bày việc ứng dụng công nghệ vào giải quyết tranh chấp bằng trọng tài tại Mỹ, xác định các công nghệ được ứng dụng và rút ra một số bài học kinh nghiệm cho Việt Nam trong việc ứng dụng sau này.

1. Khái quát về giải quyết tranh chấp bằng trọng tài tại Mỹ

Hiệp hội Trọng tài Mỹ (American Arbitration Association - AAA) được thành lập vào năm 1926. Sau đó, Tổng thống Mỹ Calvin Coolidge ký ban hành Đạo luật Trọng tài Liên bang với mục tiêu cụ thể là giúp triển khai trọng tài như một giải pháp ngoài tòa án để giải quyết tranh chấp.

AAA có mạng lưới văn phòng trên khắp Hoa Kỳ và văn phòng tại Singapore, Mexico, Bahrain. Mỗi năm, AAA quản lý khoảng 150.000 trường hợp tranh chấp. AAA có 65 thỏa thuận hợp tác với 45 quốc gia và một hội đồng gồm khoảng 7.500 trọng tài viên và hòa giải viên1.

Năm 1966, AAA thành lập Trung tâm giải quyết tranh chấp quốc tế (International Centre for Dispute Resolution - ICDR) có trụ sở tại New York. ICDR là nhà cung cấp hàng đầu các giải pháp giải quyết tranh chấp toàn cầu cho các doanh nghiệp và tổ chức tại các địa điểm do các bên lựa chọn. ICDR cũng ban hành Quy tắc giải quyết tranh chấp quốc tế (Quy tắc ICDR) được sửa đổi và có hiệu lực gần đây nhất ngày 01 tháng 3 năm 2021. Quy tắc này bao gồm 42 điều quy định về trọng tài quốc tế. 

Quy tắc ICDR trao quyền cho các bên và trọng tài viên kiểm soát các quy trình giúp tiết kiệm chi phí cho người dùng trong nhiều trường hợp khác nhau. Trọng tài của ICDR có thể được tiến hành bằng bất kỳ ngôn ngữ nào do các bên lựa chọn. Quy tắc ICDR phản ánh các thông lệ quốc tế tốt nhất được thiết kế để mang lại các thủ tục tố tụng hiệu quả, kinh tế và công bằng. Quy tắc này được thiết kế để cung cấp một khuôn khổ giải quyết tranh chấp hoàn chỉnh cho các bên tranh chấp, luật sư, trọng tài viên. Chúng mang lại sự cân bằng giữa quyền tự chủ của các bên trong việc đồng ý với quy trình giải quyết tranh chấp mà họ muốn và nhu cầu quản lý quy trình của các trọng tài viên. Phán quyết của ICDR được thi hành tại nhiều nơi trên toàn thế giới.

Quy tắc ICDR cho phép thực hiện giải quyết tranh chấp chỉ với một trọng tài thay vì ba thành viên Hội đồng trọng tài như quy tắc trọng tài quốc tế. Điều này giúp các trọng tài viên tiết kiệm được thời gian và chi phí.

Để nâng cao hiệu quả, các quy tắc ICDR cũng loại bỏ một cách rõ ràng nhiều thủ tục kiện tụng, điều tra ở ngoài Hoa Kỳ. Quy tắc ICDR ưu tiên việc yêu cầu các bên cung cấp thông tin thay vì thẩm vấn. Điều này đảm bảo các trọng tài viên thực hiện công việc của mình một cách hiệu quả2.

2. Một số công nghệ được ứng dụng vào giải quyết tranh chấp bằng trọng tài tại Mỹ

Khi giải quyết tranh chấp bằng trọng tài quốc tế, việc ứng dụng công nghệ có thể bao gồm: (i) Thư điện tử và các thông tin liên lạc điện tử khác giữa các bên, trọng tài viên hoặc các trọng tài viên ("hội đồng trọng tài") và cơ quan quản lý;(ii) lưu trữ thông tin để các bên và hội đồng truy cập bằng cách sử dụng phương tiện lưu trữ di động hoặc cố định (ví dụ như ổ đĩa flash, USB, DVD, ổ cứng và lưu trữ dựa trên đám mây);(iii) phần mềm và phương tiện được sử dụng để trình bày, hỗ trợ phân tích các trường hợp tương ứng của các bên ở định dạng điện tử, thay vì định dạng giấy;và (iv) công nghệ phòng điều trần (ví dụ: hội nghị truyền hình, thuyết trình đa phương tiện, dịch thuật và bảng điểm điện tử “thời gian thực”)3.

Tại Mỹ, khi giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, các công nghệ được ứng dụng theo các mức độ khác nhau. Khi được sử dụng hiệu quả, công nghệ có thể giúp các bên trong trọng tài quốc tế tiết kiệm thời gian và chi phí, đồng thời đảm bảo rằng quá trình phân xử trọng tài được quản lý và tiến hành hiệu quả.

2.1. Sử dụng thư điện tử và các thông tin liên lạc điện tử khác

Ngày nay, giao tiếp bằng văn bản diễn ra chủ yếu ở dạng điện tử, thông điệp dữ liệu. PDF là định dạng điện tử thường được sử dụng cho các bên khi được yêu cầu nộp bằng văn bản điện tử.

Theo Điều 2.1 Quy tắc ICDR về trọng tài quốc tế quy định, nguyên đơn cũng có thể bắt đầu lựa chọn giải quyết bằng trọng tài trực tuyến thông qua hệ thống quản lý WebFile của AAA tại www.icdr.org hoặc thông qua email tại casefiling@adr.org. Từ đó, các trao đổi, giao tiếp giữa các bên và hội đồng trọng tài hoàn toàn có thể được thực hiện qua việc gửi thư điện tử. Tất cả lời khai và bằng chứng có thể được gửi thông qua thư điện tử.

Tuy nhiên, khi ứng dụng công nghệ và thực hiện quy trình thông qua các tiện ích kết nối Internet, vấn đề danh tính và thông tin xuất hiện, trở thành một trong những vấn đề ảnh hưởng tới kết quả của quá trình giải quyết tranh chấp. Trong trường hợp này, chữ ký điện tử có thể đóng một phần quan trọng. Tại Hoa Kỳ, tổng thống Clinton đã ký ban hành luật “Chữ ký điện tử trên toàn cầu và quốc gia” có hiệu lực vào ngày 01 tháng 10 năm 2000. Đạo luật này cho phép một chữ ký hoặc hồ sơ được gửi qua không gian mạng có giá trị pháp lý tương tự như một tài liệu giấy thông thường. Thực tế, chữ ký điện tử và các bản ghi kỹ thuật số có giá trị pháp lý giống như các tài liệu bằng văn bản, giúp việc kiểm tra danh tính kỹ thuật số của ai đó trở nên dễ dàng hơn nhiều. Chữ ký điện tử là một phương pháp xác thực sử dụng mật mã khóa công khai, việc làm giả chữ ký điện tử khó hơn so với chữ ký bằng văn bản và đóng một phần quan trọng trong việc đảm bảo tính xác thực, tính toàn vẹn và không từ chối của việc truyền dẫn thông tin dữ liệu, do đó nâng cao độ tin cậy4.

2.2. Lưu trữ thông tin

Tại Mỹ, việc lưu trữ thông tin và quản lý hồ sơ được thực hiện thông qua trang web quản lý hồ sơ. Các trang web quản lý hồ sơ về cơ bản là các mạng ngoại vi được thiết kế đặc biệt để quản lý hồ sơ pháp lý, giúp quản lý nhiều tài liệu dài một cách thuận tiện và hiệu quả. Về bản chất, công nghệ này đều bao gồm một trang web tinh vi cho phép người dùng tải lên, lưu trữ, sắp xếp và truy xuất tài liệu và các tệp khác nhau, đồng thời đăng thông báo, chia sẻ chương trình nghị sự điện tử và nói chung tạo điều kiện truy cập vào tất cả thông tin liên quan đến một trường hợp cụ thể.

Trang web quản lý hồ sơ phục vụ hai mục đích chính: (1) cung cấp nền tảng có thể truy cập toàn cầu nhưng được bảo vệ bằng mật khẩu cho kho tài liệu và (2) tạo thành giao diện web cho phép người dùng giao tiếp nhanh chóng và an toàn. Thông thường, các trang web như vậy có sẵn cho các bên, cố vấn, trọng tài viên, tổ chức trọng tài và nhân chứng, chuyên gia với quyền truy cập hạn chế. Quyền truy cập có thể được bảo vệ bằng mật khẩu và có thể bằng bất kỳ công nghệ bổ sung nào khác.

Trọng tài viên và tổ chức trọng tài có thể truy cập tất cả các thư từ và các tài liệu đệ trình khác một cách liên tục và trong thời gian thực.

Các trang web quản lý hồ sơ thường được thiết kế để hỗ trợ quản lý toàn thể vụ việc, nhưng không giải quyết vấn đề nội dung của nó. Do đó, trang web quản lý có thể bao gồm các phương tiện liên lạc phức tạp hơn, chẳng hạn như bảng thông báo, phương tiện hội nghị qua điện thoại hoặc phần mềm hội nghị truyền hình5.

2.3. Phần mềm, công cụ sử dụng trí tuệ nhân tạo để hỗ trợ trình bày và phân tích

Các phần mềm, công cụ trí tuệ nhân tạo tạo điều kiện thuận lợi cho các nhiệm vụ của con người và có thể giúp làm cho chúng hiệu quả hơn và tiết kiệm chi phí hơn. Trí tuệ nhân tạo đã được sử dụng bởi các bên liên quan khác nhau trong trọng tài để thực hiện các nhiệm vụ, chẳng hạn như bổ nhiệm trọng tài viên, nghiên cứu pháp lý, soạn thảo và đọc bằng chứng của các đệ trình bằng văn bản, dịch tài liệu, quản lý hồ sơ và tổ chức tài liệu, ước tính chi phí, điều trần và soạn thảo các phần tiêu chuẩn của giải thưởng.

Mặc dù khả năng nhận thức về thực tiễn pháp lý nằm ngoài phạm vi khả năng của trí tuệ nhân tạo, trí tuệ nhân tạo vẫn được sử dụng trong việc hỗ trợ giải quyết các tranh chấp. Trí tuệ nhân tạo được sử dụng cho công việc giấy tờ và phân tích dữ liệu, cũng như các tác vụ khác nhau dựa trên từng trường hợp cụ thể.

Ví dụ, công cụ Ross Intelligence của tập đoàn công nghệ IBM được sử dụng để diễn giải vấn đề pháp lý, các sự kiện liên quan và đưa ra thủ tục cần thiết. Sau đó, nó sử dụng tuệ nhân tạo để giải thích truy vấn, đọc toàn bộ cơ sở dữ liệu của tất cả các trường hợp liên bang và tiểu bang của Hoa Kỳ, đồng thời tìm tất cả các án lệ phù hợp nhất.

Quy định trong Quy tắc ICDR cũng không cấm sử dụng trí tuệ nhân tạo như một sự thay thế trọng tài con người. Vì vậy, nếu trọng tài trí tuệ nhân tạo cho thấy được tính công bằng và hiệu quả, cách thức ứng dụng này sẽ sớm được áp dụng rộng rãi6.

2.4. Công nghệ phòng điều trần

Công nghệ phòng điều trần (Virtual Hearings - VH) hay còn gọi là phiên điều trần ảo là một giải pháp dựa trên công nghệ cho phép các cuộc họp giữa các trọng tài viên, cố vấn, các bên, nhân chứng thực tế và các chuyên gia được tổ chức từ xa qua mạng internet. Nó cho phép người tham gia ở những nơi khác nhau giao tiếp, chia sẻ hình ảnh, âm thanh và có thể cả các ứng dụng phần mềm mà không tính đến khoảng cách địa lý. Để tham gia vào một phiên điều trần ảo, những người tham gia đều phải đăng nhập vào một nền tảng trực tuyến như WebEx hoặc Zoom. Trên thực tế, còn có cả các phiên điều trần lai (hybrid) tức kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến. Ví dụ, trọng tài viên, thư kí tòa án, luật sư của hai bên có thể đều ngồi trực tiếp ở phòng xét xử nhưng các nhân chứng thì lại sử dụng kết nối ảo thông qua cuộc họp Zoom kết nối trực tiếp đến phiên điều trần.

Trong phiên điều trần ảo, trọng tài viên ký các quyết định và phán quyết điện tử, sử dụng công nghệ trong quá trình tiến hành và quản lý các thủ tục trọng tài. Và để giải quyết tranh chấp bằng trọng tài nhanh hơn và ít tốn kém hơn, một số tổ chức trọng tài đã đưa ra cuộc điều trần ảo sử dụng các công nghệ mới.

Đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy sự phát triển của phiên điều trần ảo gia tăng một cách nhanh chóng. Trung tâm Trọng tài và Hòa giải của Phòng Thương mại Santiago (CAM) đã công bố một tuyên bố kêu gọi các trọng tài và các bên sử dụng các nền tảng công nghệ để tổ chức các phiên điều trần và sử dụng hệ thống xử lý điện tử để xuất trình các tài liệu được gọi là E-CAM, vốn đã tồn tại từ năm 2013. Ngoài ra, bản thân các tổ chức trọng tài đã điều chỉnh hoạt động nội bộ của họ sang hoạt động ảo và hầu hết công việc này được thực hiện thông qua văn phòng ảo.

Hình 1: Tổng số phiên điều trần ảo theo tháng theo thống kê của AAA

tranh chấp

Nguồn: https://go.adr.org/virtual-hearing-statistics

Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, việc tổ chức các phiên điều trần ảo hay hội nghị trực tuyến giữa các bên và các trọng tài viên vẫn còn khá phức tạp tiềm tàng rất nhiều rủi ro. Hiệp hội Trọng tài Hoa Kỳ (AAA) đã đăng trên trang website Hướng dẫn điều trần ảo dành cho Trọng tài viên và các Bên cũng như Trình tự và Thủ tục Mẫu cho phiên điều trần ảo qua hội nghị trực tuyến. Theo thỏa thuận của các bên, các thủ tục mẫu có thể được áp dụng hoặc sửa đổi để phù hợp với nhu cầu cụ thể của từng trường hợp cụ thể7.

Một phiên điều trần ảo được tiến hành bằng các thiết bị điện tử, sử dụng các công nghệ khác nhau và loại bỏ các tài liệu sao chép cứng. Phòng nghe được thiết lập với màn hình máy tính để hiển thị các tài liệu điện tử, sử dụng cùng một cơ sở dữ liệu. Mỗi thành viên của hội đồng trọng tài, mỗi nhân chứng và mỗi bên tranh chấp đều có màn hình trước mặt. Một tài liệu được giới thiệu bởi các bên hoặc tòa án, tài liệu đó sẽ được định vị trên cơ sở dữ liệu chung và hiển thị đồng thời trên tất cả các màn hình của các bên (màn hình nội dung). Màn hình nội dung bổ sung có thể được thêm vào, nếu các bên yêu cầu. Các bằng chứng hoặc đệ trình cũng có thể được cung cấp thông qua liên kết video trực tuyến. Công nghệ đồng bộ cho phép tạo điều kiện cho các bên trình bày bằng chứng và đệ trình dễ dàng và mới lạ. Dữ liệu phức tạp cũng có thể được đối chiếu và trình bày bằng điện tử theo những cách rõ ràng hơn, thậm chí tương tác.

3. Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

Ứng dụng công nghệ vào giải quyết tranh chấp bằng trọng tài đã và đang được thực hiện tại Việt Nam ở nhiều mức độ khác nhau. Ở Việt Nam hiện nay có 35 tổ chức trọng tài. Hầu hết những cá nhân từng tham gia tố tụng trọng tài đã liên lạc với Hội đồng trọng tài thông qua email hoặc bằng cách sử dụng các nền tảng công bố thông tin điện tử để quản lý các thông tin được công bố. Theo sự phát triển của công nghệ, việc sử dụng các công cụ kết nối trực tuyến càng ngày càng thúc đẩy quá trình giải quyết tranh chấp trực tuyến phát triển8.

Theo báo cáo thường niên của VIAC năm 2021, đã có hơn 240 cuộc họp và phiên họp giải quyết tranh chấp được tổ chức theo hình thức trực tuyến hoặc trực tiếp năm 2021. VIAC đã tổ chức thành công các phiên họp giải quyết tranh chấp hoàn toàn trực tuyến với cùng lúc nhiều điểm cầu đặt ở nhiều nước trên thế giới và Việt Nam. VIAC cũng sử dụng cùng lúc dịch vụ phiên dịch song song trực tuyến, dịch vụ nhân dạng giọng nói và tạo biên bản phiên họp tự động, phỏng vấn nhân chứng và thẩm tra chéo nhân chứng trực tuyến. VIAC cũng tăng cường tổ chức các phiên xử trực tuyến qua hình thức hội nghị trực tuyến (videoconference). Hình thức này cũng được các Hội đồng Trọng tài khuyến nghị đến các bên để xử lý kịp thời, tránh kéo dài thời gian vụ tranh chấp. Các vấn đề về thủ tục, trang thiết bị cũng đã được VIAC chuẩn hóa nhằm hỗ trợ các bên và Hội đồng Trọng tài giải quyết tranh chấp một cách hiệu quả nhất9.

Tuy nhiên, không phải tất cả các trung tâm trọng tài tại Việt Nam đều ứng dụng được công nghệ nhiều vào quá trình giải quyết tranh chấp. Vẫn còn rất nhiều vấn đề còn tồn tại trong quá trình ứng dụng công nghệ vào giải quyết tranh chấp. Chính vì vậy, qua quá trình nghiên cứu việc ứng dụng công nghệ vào giải quyết tranh chấp bằng trọng tài tại Mỹ, một số bài học kinh nghiệp nhằm ứng dụng công nghệ tốt hơn nữa có thể được rút ra như sau:

Thứ nhất, các trung tâm trọng tài cần xây dựng bộ quy tắc riêng cho trọng tài trực tuyến để đảm bảo tính đặc thù của nó. Do Chính phủ không ban hành quy định chung cho trọng tài trực tuyến, các trung tâm cần có sự chủ động nghiên cứu, tham khảo các quy định, quy tắc về trọng tài trực tuyến từ các nước, đặc biệt là quy tắc trọng tài trực tuyến của các nước, ví dụ Quy tắc ICDR của Mỹ, để sửa đổi, ban hành mới các quy tắc tố tụng trọng tài trực tuyến phù hợp theo các quy định về trọng tài hiện hành tại Việt Nam.

Thứ hai, các trung tâm trọng tài cần đầu tư xây dựng nền tảng công nghệ giải quyết tranh chấp hiệu quả, đơn giản và thân thiện. Công nghệ liên quan đến chất lượng tương tác trực tuyến, ảnh hưởng trực tiếp đến việc gửi, truyền, kiểm tra và công nhận bằng chứng trong phân xử trực tuyến. Nền tảng mạng để gửi và truyền bằng chứng trọng tài trực tuyến cần đảm bảo duy trì tính chắc chắn và an toàn cao, nhằm bảo vệ quyền riêng tư của các bên đương sự và bảo mật của tài liệu, bằng chứng. Ngoài ra, việc xác minh bằng chứng trong trọng tài trực tuyến cần sự hỗ trợ của thiết bị máy tính và công nghệ mạng để loại bỏ lỗi hệ thống, đảm bảo tính toàn vẹn và xác thực của bằng chứng trọng tài trực tuyến. Tổ chức trọng tài trực tuyến nên có bộ phận nhân viên phụ trách công nghệ để giảm thiểu rủi ro lỗi hệ thống, đảm bảo tính toàn vẹn của bằng chứng điện tử; giữ bảo mật, riêng tư cho khách hàng và cũng để hỗ trợ trọng tài đánh giá tính xác thực của bằng chứng trong phân xử trực tuyến.

Thứ ba, trung tâm trọng tài cần công khai các nguyên tắc tham gia phiên trọng tài ảo và cách thức tham gia. Ví dụ, quy định cụ thể số người tham gia, yêu cầu về trang phục, phông nền (trắng, đơn sắc), không gian đối với người tham dự (ví dụ như trong không gian riêng, yên tĩnh), các khuyến nghị về thiết bị (máy tính cá nhân) thường sử dụng để tham gia phiên tòa. Bên cạnh đó, trung tâm trọng tài cũng cần chuẩn bị màn hình truyền hình trực tiếp ngay tại trụ sở tòa án để những người không thể tham gia phiên xét xử bằng hình thức trực tuyến có thể theo dõi diễn biến phiên tòa.

4. Kết luận

Việc ứng dụng công nghệ trong quá trình giải quyết tranh chấp bằng trọng tài vẫn đang ở giai đoạn sơ khai và tồn tại nhiều vấn đề. Tuy nhiên, với sự phát triển của công nghệ và những ưu điểm mà công nghệ có thể mang lại cho quá trình giải quyết tranh chấp, việc ứng dụng công nghệ vào một phần hoặc toàn bộ quy trình giải quyết tranh chấp được đánh giá là hướng đi tối ưu và là xu hướng tất yếu của Việt Nam nói riêng cũng như trên toàn thế giới. Vấn đề còn lại chỉ là nỗ lực của các cơ quan nhà nước, các trung tâm trọng tài trong việc thúc đẩy, triển khai và thực hiện trong thực tiễn đời sống.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

1,7Hiệp hội Trọng tài Hoa Kỳ: https://www.adr.org/MissionPrinciples

2Quy tắc giải quyết tranh chấp quốc tế. Truy cập tại  https://www.icdr.org/sites/default/files/document_repository/ ICDR_Rules_1.pdf

3Báo cáo của Ủy ban ICC về ứng dụng công nghệ thông tin trong Trọng tài quốc tế. Truy cập tại https://iccwbo.org/publication/information-technology-international-arbitration-report-icc-commission-arbitration-adr/

4Gary L. Benton, Steven K. Andersen (2020). American Arbitration Association | ADR.org. [Online] Available at: https://go.adr.org/rs/294-SFS-516/images/Benton%20and%20Andersen%20-%20Technology%20Arbitration%20 Revisited.pdf 

5U.S. Arbitration - Silicon Valley Arbitration & Mediation Center. [Online] Available at:  https://svamc.org/us-arbitration/

6Katsh, Ethan, và Orna Rabinovich-Einy (2019). The U.S. Administration in Transition and the Impact of Technology: The Case of Pre-Dispute Arbitration. Revue Francaise dadministration Publique, 447-461.

8Trung tâm Hòa giải Việt Nam. Truy cập tại  https://www.vmc.org.vn/images/Resources/Legal-research-and-study

9VIAC (2022). Báo cáo thường niên của VIAC năm 2021. Truy cập tại https://www.viac.vn/images/Resources/ Annual-Reports/2021/VIAC_Bao-cao-thuong-nien-2021_220616.pdf

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Horacio Grigera Naón & Bj#rn Arp (2021). Virtual Arbitration in Viral Times: The Impact of Covid-19 on the Practice of International Commercial Arbitration - American University Washington College of Law. [Online] Available at https://www.wcl.american.edu/impact/initiatives-programs/international/news/virtual-arbitration-in-viral-times-the-impact-of-covid-19-on-the-practice-of-international-commercial-arbitration/.
  2. Schultz, T. (2006). Information Technology and Arbitration: A Practitioners Guide. USA: Kluwer Law International.
  3. Karolina Mania (2015). Online dispute resolution: The future of justice. International Comparative Jurisprudence, 1(1), 76-86.
  4. Rule, C. (n.d.). Technology and the Future of Dispute Resolution. [Online] Available at: https://law.scu.edu/wp-content/uploads/Rule-Technology-and-the-Future-of-Dispute-Resolution-copy.pdf.

ThS. Đào Xuân Thủy (Giảng viên Trường Đại học Ngoại thương) 

Trích nguồn

20/04/2023
  
TRỤ SỞ CHÍNH
  • Tầng 8, Cao ốc Văn phòng VG Building 
    Số 235 Nguyễn Trãi, Q. Thanh Xuân
    TP. Hà Nội, Việt Nam
  • Phone: 024 3783 2121
  • Fax: 024 3783 2122
CHI NHÁNH TP. HỒ CHÍ MINH
  • Tầng 4, Tòa nhà Hoàng Anh Safomec
    ​7/1 Thành Thái, P.14, Q.10
    ​TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam
  • Phone: 028 3832 9969
  • Fax: 028 3832 9959
CHI NHÁNH MIỀN BẮC
  • Số 97, Phố Trần Quốc Toản
    PhườngTrần Hưng Đạo 
    Quận Hoàn Kiếm,TP.Hà Nội, Việt Nam
  • Phone: 024 73061268
  • Fax: 024 7306 1269
VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN
  • Tầng 16, Tòa nhà T01-C37 Bắc Hà
    ​Đường Tố Hữu, Quận Nam Từ Liêm,   TP. Hà Nội, Việt Nam
  • Phone: 024 6666 6368
  • Fax: 024 6666 6368